ĐOÀN QUỲNH NHƯ - “NHỮNG NƠI XUẤT HIỆN TRONG TRANH LÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TÔI”

ĐOÀN QUỲNH NHƯ - “NHỮNG NƠI XUẤT HIỆN TRONG TRANH LÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TÔI”

Ngày 5/8, triển lãm “Khiêu vũ tới trập trùng” với 29 bức tranh khổ nhỏ được diễn ra tại VY Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM). “Khiêu vũ tới trập trùng” là tên của triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Đoàn Quỳnh Như tại Việt Nam. Trở về Việt Nam lần này, Đoàn Quỳnh Như mong muốn thử sức bản thân tại đất mẹ sau thời gian dài ấp ủ với hội hoạ. 

 

Chào chị, tại sao chị lại chọn cái tên “Khiêu vũ tới trập trùng” cho triển lãm lần này?

Trước khi có triển lãm này thì tôi có một cái bài thơ được chia sẻ trên Facebook và cũng được rất nhiều người yêu thích. Bài thơ ấy nói lên cảm quan của tôi về thế giới xung quanh, nó quyến rũ và đam mê tôi như một cái điệu vũ, khiến tôi say mê, tự do bay nhảy. Thế là tôi đã biến thế giới trong từ ngữ ấy hiện lên qua những “ô màu”. 

Chị đã dự định từ rất lâu hay chỉ mới gần đây?

Tình yêu với hội họa đã được chớm nở từ rất sớm nơi tôi, nhưng nó chưa kịp bung nở thực sự. Tuy nhiên, chỉ đến những năm gần đây, tôi mới thực sự đủ thời gian để bung thoả, thích thú và thử thách bản thân ở mảng hội hoạ. Đó là niềm đam mê, sở thích và mong muốn trải nghiệm, sự khởi đầu mới của tôi ở đất mẹ Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để kết nối cùng mọi người ở nước mẹ sau thời gian dài xa cách do COVID. 

Có nhiều chủ thể ở đây, như thiên nhiên, thời tiết, vấn đề môi trường. Tại sao chị lại đưa những điều này vào thế giới trong tranh của chị?

Tôi rất yêu thiên nhiên. Phụ nữ thường có sở thích đi mua sắm vào lúc rảnh, nhưng cá nhân tôi, tôi lại mong ước được tìm về với thiên nhiên nhiều hơn. Tôi sẽ chọn đi công viên hay là đi ngắm cảnh lúc có thời gian. 

Tác phẩm “Phong cảnh 2”. Ảnh: Ban Tổ Chức

Tác phẩm “Mắt Biển”. Ảnh: Ban Tổ Chức

Những cảnh này là những cảnh chị đã đi qua?

Thực ra, những nơi xuất hiện trong tranh là trí tưởng tượng của tôi. Có những bức là những tưởng tượng đến từ trải nghiệm thật nhưng cũng có những bức là sự suy tưởng, bất hình dung về thế giới xung quanh đời sống thường nhật. 

Qua thời gian dài xa cách do dịch bệnh, tôi dùng hình ảnh tranh để tái kết nối bản thân với thiên nhiên mộng cảm. Tôi tưởng tượng tôi đi đến đấy và khắc hoạ nên thế giới ấy bằng ngôn ngữ của mình. Giống như cảnh biển, tôi sẽ hình dung biển sẽ ra sao trong tâm trí tôi, và vẽ lại nó. Tôi hi vọng sẽ tìm lại sự cân bằng qua những bức tranh này. 

Có thể thấy những bức tranh ở đây được hiển hiện ở nhiều phong cách và màu sắc khác nhau, đây có hay chăng là dụng ý của chị?

Thật ra là không. Cá nhân tôi không định hình với một trường phái nào của hội họa nào, cứ phải vẽ theo giai đoạn hoặc thời kỳ nào như các hoạ sĩ khác. Đây chỉ là một nhu cầu sáng tạo của tôi với mong muốn thử thách mình. Thế nên, tôi cũng không sợ sai bất cứ quy tắc hội hoạ nào, tôi chỉ muốn thể hiện một cách tự do không ràng buộc thế giới mà tôi bay bổng trong đó. 

Thế nên, tôi đã phối trộn nhiều chất liệu bằng trò chơi “vọc màu”. Qua đó, tôi tìm ra chất liệu hội hoạ có thể minh hoạ cho thế giới mà tôi mong muón đó là: sơn vẽ acrylic. Nó có màu sắc mịn màng, mang đến sự mềm mại như phong cách của tôi. 

Tác phẩm “Mấy rặng giang san”. Ảnh: Ban Tổ Chức

Thơ có làm ảnh hưởng đến tư duy hội hoạ của chị?

Có chứ, cả thơ và nhạc nữa. Chất lãng mạn trong thơ và sự bay bổng nơi nhạc khiến tôi hình dung được khung cảnh mà tôi mong muốn. Tôi yêu thích và bị ảnh hưởng bởi nhạc sĩ Việt Nam thế hệ trước. Tuy vậy, lúc vẽ tranh, âm nhạc chỉ hiển hiện trong tôi một cách vô thức. 

Trong tương lai, chị sẽ có dự định gì?

Trong tương lai, tôi sẽ vẫn tiếp tục sáng tạo để đưa đến cho quý khán giả những tác phẩm hay hơn nữa. 

 


LỜI NHẬN XÉT VỀ TRANH ĐOÀN QUỲNH NHƯ

Lời nhận xét của nhà nghiên cứu - giám tuyển Lý Đợi: “Vẽ với hy vọng màu sắc có thể giúp tìm thấy lối ra trong các chấn động, trống vắng. Vẽ với hy vọng tái kết nối bản thân với thiên nhiên mộng cảm, với không gian xa lạ, với nơi chốn huyền hoặc; và cả với những nơi quen thuộc đang dần phôi pha. Vẽ với hy vọng tìm lại sự cân bằng, mà đôi khi đời sống thường nhật - dẫu cho đủ đầy, hạnh phúc - đã làm chơi vơi, chao đảo.”

Theo hoạ sĩ Nhật Quy (NhatQuy Art Gallery): “Là những mảng màu, đường nét phối hợp với nhau tập trung nhưng vẫn hài hoà trên tổng thể bề mặt.  Acrilic trên giấy là chất liệu mà hiện nay hoạ sỹ Việt ít khi dùng, ngay cả tôi. Cái hay của nó là những kỉ thuật cạo, nạo, day, tạo hiệu ứng bằng bay rất đẹp trên giấy. Bên cạch đó Quỳnh Như đã dùng khá khéo léo cách đắp corniches làm tăng hiệu ứng ánh sáng thay thế, hạn chế mặt yếu của chất liệu. Kích thước là lợi thế nghệ sỹ đã làm chủ không gian tổng thể.”

Theo phóng viên Phước Châu tờ Phụ Nữ: “Khiêu vũ tới trập trùng hẳn nhiên chưa định hình với một trường phái nào của hội họa kinh điển, thậm chí còn mang dáng dấp đầy tính pha trộn giữa Ấn tượng (Impressionism), Biểu hiện (Expressionism) rồi Trừu tượng (Abstractism). Bất kể Đoàn Quỳnh Như từng thích một cách vô định với nhiều danh họa thế giới (như Frida Kahlo; Salvador Dali; Pablo Picasso; Rene Magritte…), chừng như vẫn không mấy liên quan hình thể bán trừu tượng mà cô đang vô thức “neo đậu” trong loạt tranh vẽ đầu tay của mình.”

 

Tags: triển lãm
Bài sau →
Back to top