“TIMELESS SOULS: BEYOND THE VOYAGE – HỒN XƯA BẾN LẠ”: TRIỂN LÃM ĐẦU TIÊN CỦA SOTHEBY’S TẠI VIỆT NAM

“TIMELESS SOULS: BEYOND THE VOYAGE – HỒN XƯA BẾN LẠ”: TRIỂN LÃM ĐẦU TIÊN CỦA SOTHEBY’S TẠI VIỆT NAM

Trước bối cảnh nghệ thuật Việt Nam đang ngày càng nhận được sự quan tâm cực kỳ sôi nổi từ các kinh viện cũng như cộng đồng sưu tập, hãng đấu giá tên tuổi Sotheby’s đã giới thiệu một dự án triển lãm phi thương mại tại Việt Nam, cũng là triển lãm đầu tiên của nhà cái Hoa Kỳ hay bất kỳ nhà đấu giá quốc tế nào khác tại quốc gia “ngàn năm văn hiến” này.

Thời gian qua, một số bức tranh của hoạ sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ đã liên tục thiết lập kỷ lục về giá trên sàn quốc tế. Trong số đó phải kể đến bức “Portrait of Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phương) của Mai Trung Thứ đạt mức đấu giá 3,1 triệu USD tại Sotheby's Hong Kong. Danh hoạ Lê Phổ cũng có bốn bức tranh cán mốc “triệu đô” gồm “Jeune femme attachant son foulard” (Thiếu nữ choàng khăn) - 1,1 triệu USD, “Nude” (Khỏa thân) - 1,4 triệu USD, Family Life (Đời sống gia đình) - 1,1 triệu USD và “Figures in a garden” (Dáng hình trong vườn) - 2,28 triệu USD.

Không thể phủ nhận trong những năm qua, các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam nói chung và của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nói riêng đang chiếm một vị thế lớn tại các sàn đấu giá quốc tế cũng như góp phần đưa nền hội họa nước nhà vươn ra “biển lớn”. Trước những thành công trên, hãng đấu giá lâu đời thứ ba trên thế giới - Sotheby’s đã đưa ra thông báo chính thức về việc tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi “Timeless Souls: Beyond the Voyage – Hồn Xưa Bến Lạ”, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11/7 đến 14/7/2022 tại Park Hyatt Saigon. 

Được biết, triển lãm do nhà cái Sotheby’s bảo trợ và nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê giám tuyển sẽ trưng bày các tác phẩm từ bộ tứ đời đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương: Lê Thị Lựu (1911 - 1988), Lê Phổ (1907 - 2001), Mai Trung Thứ (1906 - 1980), và Vũ Cao Đàm (1908 - 2000). 

Phổ - Thứ - Lựu - Đàm: Hội họa Việt chinh phục thế giới

Bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm đã lần lượt di cư sang Pháp trong suốt các thập kỷ 1930 - 1940. Đây là bốn họa sỹ Việt xuất thân từ các khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine - EBAI) và là những học trò xuất sắc nhất của trường. Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925 - 1930). Lê Phổ là “học trò cưng” của giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926 - 1931) và Lê Thị Lựu là thủ khoa hội họa khóa III (1927 - 1932). Mỗi người đều sở hữu một cá tính và bước đi con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt.

Bởi vậy, sống bên trời Tây từ sớm, bốn danh họa đều có quan hệ xã hội rộng rãi, công việc gắn bó mật thiết với các giới văn hóa văn nghệ nước sở tại, riêng về mỹ thuật thì kết giao được với nhiều tên tuổi thời danh và chia sẻ nhiều trường phái, thế nhưng, “hoài cố hương” vẫn là chủ đề trọng yếu và xuyên suốt các tác phẩm của bộ tứ tên tuổi này. Họ thường xuyên lồng ghép những tâm tư ấy của mình vào từng tác phẩm được sáng tác nơi hải ngoại, thậm chí, ngay cả khi vẽ người Tây, cảnh Tây thì tranh họ cũng đậm chất Việt, hương vị Việt.

“Tứ kiệt trời Âu” từ trái sang: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. Ảnh: Internet

Họa sĩ Vũ Cao Đàm từng chia sẻ, “Ngay hồi còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo các trường phái mới mà vẫn không quên tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật Đông phương”. Tinh thần ấy vẫn luôn bàng bạc trong hàng ngàn tác phẩm và là đóng góp nổi bật của họ với nền hội họa Việt Nam. 

Thông qua các chủ đề quen thuộc, những người con xa quê ấy đã mượn những gì còn đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh. Dù vẽ cảnh quan hay cỏ cây, gia đình hay phong tục, văn hóa hay kiến trúc, “Tứ kiệt trời Âu” cũng đều tạo dựng thành công những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm từ đông đảo khán giả quốc tế.

Xét về tuổi tác và thời gian vào nghề, bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm cùng thời với Trí - Lân - Vân - Cẩn, tuy nhiên, vì định cư tại Pháp từ trước Thế chiến II đến khi qua đời và các tác phẩm của họ mới được hồi hương sau này nên tên tuổi của bốn họa sĩ Việt bên trời Tây vẫn còn khá ít thông tin ở trong nước so với các danh họa cùng thời khác. Tuy nhiên, nếu xét về quan hệ thị trường, bộ tứ này giữ vai trò đối ngoại - một kênh quan trọng để quốc tế sớm biết và sớm hình dung về “từ trường” mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn Xưa Bến Lạ

Thông tin về triển lãm “Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn Xưa Bến Lạ” mới đây đã làm nức lòng giới mộ điệu hội họa Việt Nam bởi đây là triển lãm hiếm có cả về quy mô tác phẩm lẫn đơn vị tổ chức. Đại diện từ hãng đấu giá tên tuổi Sotheby’s cho biết, “Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc với vai trò triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức bởi một nhà đấu giá quốc tế, mà còn là một trong những triển lãm tranh Đông Dương với quy mô lớn nhất tại đây”.

Theo đó, “Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn Xưa Bến Lạ” sẽ là một trong những triển lãm tứ kiệt Đông Dương lớn nhất từng được tổ chức tại Việt Nam cả về mặt giá trị và số lượng khi quy tụ hơn 50 tác phẩm trải dài theo sự nghiệp của mỗi hoạ sĩ. 

Ban tổ chức còn tiết lộ, “Loạt tác phẩm này là một lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của bốn họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người - hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng - đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ thu nạp được từ quãng đời viễn xứ tại Pháp”.

Thông tin về Triển lãm “Timeless Souls: Beyond the Voyage - Hồn Xưa Bến Lạ” đang được giới mộ điệu hội họa quan tâm. Ảnh: Sotheby’s

Chữ “Hồn” trong tiếng Việt vừa chỉ phần sâu thẳm nhất của mỗi người, một tiếng nói chung của toàn dân tộc và nền văn hiến của họ, vừa để chỉ cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật. Theo đó, tựa đề của triển lãm cho thấy niềm hy vọng - được biểu trưng những giá trị vĩnh cửu gửi gắm bản sắc Việt trong suốt quãng đời viễn xứ của bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. 

Bên cạnh đó, 50 bức họa được trưng bày tại triển lãm còn là “bản hòa âm” giữa truyền thống và văn hiến phương Đông, kết tinh với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây. 

Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê nhận định, đây là sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, đặc biệt, trong bối cảnh giá tranh Đông Dương “tăng phi mã” và tình trạng thẩm định còn nhiều tồn tại, cần tham vấn các nhà học giả người Việt.

Một số bức họa nổi tiếng của bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm sẽ được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Sotheby’s

Ngoài ra, Nathan Drahi - Giám đốc Điều hành của Sotheby’s Châu Á, còn cho biết, “Chúng tôi tự hào khi lần đầu tổ chức triển lãm tại thành phố sôi động này. Sự kiện sẽ là cơ hội để chúng tôi chia sẻ những tác phẩm xuất sắc tới công chúng và là nền tảng quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua lăng kính của một nhóm nghệ sĩ tài danh bậc nhất thế giới đến từ nơi đây”.

Sau khi phá kỷ lục về giá mới nhất cho tranh Lê Phổ tại phiên đấu mùa xuân vừa qua, Sotheby’s hiện đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt và triển lãm này hứa hẹn sẽ tiếp tục minh họa cho vị thế lãnh đạo thị trường của Sotheby’s cũng như quyết tâm kết nối cộng đồng nhà sưu tập trong khu vực.

Triển lãm sẽ diễn ra từ 11 - 14/7 tại Park Hyatt Saigon (số 2 Lam Sơn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), với một số yêu cầu về thời gian thưởng lãm và chia theo các khung giờ khác nhau để giới hạn lượng người tham quan.

Nguồn: Internet

← Bài trước Bài sau →
Back to top