“AN & HUY” - CHÚNG TÔI TẬP TRUNG VÀO MỘT CHỦ THỂ NHƯNG HAI GÓC NHÌN

“AN & HUY” - CHÚNG TÔI TẬP TRUNG VÀO MỘT CHỦ THỂ NHƯNG HAI GÓC NHÌN

Trong tháng 8 đầu nghệ thuật với nhiều triển lãm ấn tượng, chúng ta lại tiếp tục với một cặp đôi nghệ thuật để đón xem hai phong cách khác nhau trong cùng một triển lãm trong “An & Huy” của vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An - Nguyễn Đức Huy  diễn ra tại Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, Quận 3, TP.HCM). Khác với lối suy nghĩ “đồng hội đồng thuyền”, triển lãm là kết quả của hai sự sáng tạo khác nhau với hai lỗi diễn đạt trái ngược nhưng lại đồng điều đến không ngờ.

 

Chào anh/chị. Anh/chị có điều gì giới thiệu về mình?

Hoạ sĩ Thu An: Chào các bạn đọc giả. Vợ chồng chúng tôi là Đặng Thị Thu An - Nguyễn Đức Huy, là hoạ sĩ cho loạt tranh của buổi triển lãm lần này. Rất vui khi có cơ hội trò chuyện cùng các đọc giả hôm nay. 

Tại sao anh/chị lại chọn cái tên này cho buổi triển lãm?

Hoạ sĩ Đức Huy: Cái tên này hoàn toàn không thể hiên chủ đề cho những bức tranh ở đây. Đây là cái tên ghép từ tên hai chúng tôi. An&Huy, một cái tên mà ghép lại, ý nghĩa là cùng “an lạc - huy hoàng”. 

Tại sao khi anh/chị sinh lại chọn triển lãm ở Sài Gòn mà không phải ở Huế?

Hoạ sĩ Thu An: Chúng tôi cùng sinh tại quê hương Đồng Hới (Quảng Bình), cùng bén duyên với hội họa. Tôi sau đó học tập và công tác tại Huế. Sau đó, duyên phận đưa tôi chọn Sài Gòn là nơi để trưng bày sau khoản thời gian dài chuẩn bị cho tác phẩm. 

Nhờ cái duyên từ một người bạn, chúng tôi vào đây và cảm thấy vùng đất này chính là điểm dừng chân cho buổi triển lãm tiếp theo của mình. Thêm một điều nữa là những người bạn, chị em đồng nghiệp, nhà sưu tập mà mình quen biết cùng sống tại TP. Hồ Chí Minh. Đã rất lâu rồi, tôi chưa có cơ hội gặp mặt, trò chuyện cùng họ nên tôi nghĩ đây cũng là lúc thích hợp cho chúng tôi để gần nhau hơn sau tháng ngày tránh dịch. 

Hoạ sĩ Đức Huy: Với cái cơ hội tuyệt với này, chúng tôi có thể đưa tất cả những tác phẩm cũng như là sự háo hức của mình đến với những người yêu nghệ thuật hơn. 

Những tác phẩm lần này là sự đồng hành hay là sáng tác độc lập của anh/chị:

Hoạ sĩ Thu An: Hai vợ chồng mình làm việc với tiêu chí đầu tiên là cần độc lập trong sáng tác. Chúng tôi có trao đổi không? Có chứ, nhưng chỉ ở mức là trao đổi trong nghề, ngồi nói chuyện với nhau thôi. Còn ở phong cách hay là bàn thảo sâu về kỹ thuật thì đó là cá nhân mỗi người. 

Hoạ sĩ Đức Huy: Ví dụ như mình không làm việc của vợ và vợ cũng không làm việc của tôi. Đó là sự độc lập và tôn trọng của chúng tôi dành cho nhau, tôn trọng cái tôi của mỗi người hoạ sĩ. Chúng tôi có đóng góp cho nhau, nhưng chỉ là góp ý dưới dạng chia sẻ, phát triển, còn lại thì đó là công việc sáng tác thì gần như là tự quyết của mỗi người. Bởi, công việc và ngôn ngữ sáng tác của chúng tôi sẽ hầu như không ai thay thế và làm thay được.

Hoạ sĩ Thu An: Cái sáng tác là cá nhân, là đặc thù riêng. Thế nên, dù là vợ chồng nhưng chỉ cần nhìn vào tác phẩm, người xem có thể nhìn ra đầu là tranh của tôi, đâu là tranh của Đức Huy. Chúng tôi tạo ra sự khác biệt một cách thu hút, không thể nào có cái sự nhầm lẫn hay là sự hòa trộn.

Đây là lần thứ mấy anh/chị kết hợp trong một triển lãm?

Hoạ sĩ Thu An: Đây lần thứ hai cặp vợ chồng hoạ sĩ tổ chức triển lãm cùng với nhau. Lần này chúng tôi đến với gần 60 tác phẩm, trong đó 34 tranh thuộc bộ “Hương thời gian” do tôi sáng tác, và 26 bức còn lại thuộc về Đức Huy với tên gọi “Ánh sáng”.

Lần đầu triển lãm của chúng tôi ở Hà Nội với tên gọi “Men đàn bà”, tổ chức vào năm 2017 tại Hà Nội. Triển lãm lần ấy là hai góc nhìn của chúng tôi với một chủ thể duy nhất: người phụ nữ. 

Vậy chủ đề lần này là hai chủ thể khác nhau?

Hoạ sĩ Thu An: Trước đây, chúng tôi tập trung vào một chủ thể nhưng hai góc nhìn. Chúng tôi có một chủ đề nhất quán: hình tượng người phụ nữ. Nhưng, chủ đề đó lại được biểu hiện bằng những chất liệu, ý tưởng rất riêng của mỗi người. Nhưng lần này, chúng tôi trở lại với hai cá thể: An và Huy. Cá nhân tôi vẫn chọn góc nhìn phụ nữ truyền thống, với vóc dáng thanh mảnh, gương mặt thon gọn như trong dân gian. Phụ nữ tranh tôi là hình ảnh gắn liền với áo dài truyền thống với dáng ngồi, dáng đứng mang vẻ thước tha yểu điệu. Họ toát lên một vẻ đẹp rất riêng qua đôi mắt biết nói và thần sắc của mình.

Hoạ sĩ Đức Huy: Còn tôi, lần này, tôi tập trung vào hình ảnh ước lệ để thể hiện ý tưởng của mình qua những bức tứ bình. Đặc biệt hơn, lần này, tôi muốn nói về cách biểu đạt mới về bản ngã, về thân phận con người trong muôn vàn mối liên hệ đa đoan. Triết lý Phật giáo và bộ ngũ hành được tôi vận dụng như mối tương quan của con người và thế giới nội tâm của họ. 

Trong tương lai anh/chị sẽ có dự định gì kế tiếp?

Hoạ sĩ Thu An: Chúng tôi sẽ vấn tiếp tục sáng tác để có thêm những tác phẩm mang đến cho quý công chúng yêu nghệ thuật. Rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành và ủng hộ của mọi người.

Cảm ơn anh/chị đã tham gia buổi phỏng vấn hôm nay. 

 


LỜI NHẬN ĐỊNH CỦA GIỚI CHUYÊN MÔN VỀ TRIỂN LÃM:

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói rằng: “Sự rực rỡ huy hoàng trong tranh của Thu An trái ngược với các tác phẩm của Đức Huy, ẩn chứa trầm tư và triết lý. Thế giới của Huy vang dội những tiếng nói thầm kín chênh vênh giữa phạm trù ý thức và khái niệm, là bước vào những giấc mơ chập chờn giữa hiện hữu và vô minh”.

PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế) nhận định: “Trong sáng tạo nghệ thuật, đôi khi sự hòa hợp giữa những nghệ sĩ lại là một giá trị vì nếu thiếu chúng sẽ dường như thiếu tất cả. Cảm nhận điều này sẽ rõ hơn khi ta nhìn ngắm bộ tranh Hương thời gian, với sắc màu sơn dầu được Thu An chọn đưa vào tranh những hình ảnh trang trí chim phụng cung đình Huế, hoa văn hoa lá dây thời Nguyễn một cách đầy ý tứ và có tính đến một cách tinh tế về hiệu quả thẩm mỹ. Tạo nên một cảm giác thiếu nữ và hoa, với hoa sen, hoa hồng, hoa lá, con bướm tưởng như vu vơ nhưng đó là nét duyên tình về phụ nữ mà Thu An muốn nói đến”.

← Bài trước Bài sau →
Back to top