KHÔNG PHẢI GUCCI, SAINT LAURENT MỚI LÀ “CÔNG THẦN” CỦA KERING NHỜ MỨC TĂNG TRƯỞNG XUẤT SẮC

KHÔNG PHẢI GUCCI, SAINT LAURENT MỚI LÀ “CÔNG THẦN” CỦA KERING NHỜ MỨC TĂNG TRƯỞNG XUẤT SẮC

Mới đây, tập đoàn xa xỉ phẩm khổng lồ của Pháp - Kering, chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu như Gucci, Yves Saint Laurent và Bottega Veneta, cho biết họ đã vượt kỳ vọng của các nhà phân tích khi tạo ra doanh thu tổng thể là 10,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Điều bất ngờ là động lực chủ yếu thúc đẩy sự tăng trưởng của nhà Kering năm 2022 không phải là Gucci mà là Yves Saint Laurent - nhãn hàng ít tiếp xúc với thị trường Trung Quốc hơn so với những cái tên đình đám khác thuộc Kering. Được biết, nhãn hàng do Giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello “dụng công vun đắp” đã chứng kiến doanh thu toàn cầu tăng 34% lên 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng ấn tượng trong hai quý đầu năm 2022 từ Saint Laurent - tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái vừa được tập đoàn Kering ghi nhận. Ảnh: Saint Laurent

Trong khi đó, Gucci - nhà mốt thường xuyên giữ ngôi vị hàng đầu của tập đoàn Kering về tốc độ tăng trưởng lại cho thấy doanh số không mấy khả quan trong nửa đầu năm 2022. Cụ thể, thương hiệu với logo chữ G kép lớn chỉ tăng 8% trong nửa đầu năm nay, mặc dù cách đây không lâu hãng vừa chinh phục vị trí cao nhất của bảng xếp hạng các thương hiệu được tìm kiếm và đề cập nhiều nhất theo số liệu của Lyst, đồng thời phá vỡ chuỗi chiến thắng kéo dài tưởng chừng như “bất bại” của Balenciaga.

Vì sao doanh thu của Gucci tăng trưởng chậm?

Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, thậm chí “chững lại” của nhà mốt Ý đến từ lưu lượng cửa hàng thấp và các vấn đề hậu cần. Theo Jean-Marc Duplaix - Giám đốc điều hành của Kering, đây được xem là “lực cản rõ ràng” mà hãng phải đối mặt tại thị trường Trung Quốc, trong khi thương hiệu Pháp Saint Laurent được hưởng lợi nhờ thị trường châu Âu và khách du lịch Mỹ.

Được biết, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc đại lục, thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ) là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh không mấy khả quan của Gucci tại đất nước này. Không riêng nhà mốt Ý, nhiều thương hiệu lớn thuộc tập đoàn LVMH như Louis Vuitton hay Dior cũng cho thấy các phản ứng tương tự. Có thể thấy, hiệu suất kinh doanh tại thị trường Hoa lục đã kéo toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi xuống, trong khi đó, thị trường châu Âu và người tiêu dùng Mỹ lại là nơi chứng kiến ​​sự phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2022.

Doanh số nửa đầu năm 2022 của Gucci không mấy khả quan vì chính sách đóng cửa tại Trung Quốc. Ảnh: Gucci

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mới đây của LVMH, bất chấp đại dịch bùng phát tại thị trường Trung Quốc và tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của tập đoàn này đã tăng lên 21% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 36,7 tỷ euro (tương đương 37,8 tỷ USD) nhờ các hoạt động kinh doanh đa dạng và hiệu quả.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Gucci đôi lúc còn cho thấy dấu hiệu “chững lại” vì phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, bên cạnh việc nhãn hàng này thường tiếp xúc với thị trường Trung Quốc nhiều hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Do đó, Gucci nhìn chung phải đối mặt với nhiều thiệt hại hơn các thương hiệu khác tại LVMH. 

Saint Laurent - “Công thần” mới của của tập đoàn Kering

Trái ngược với Gucci, Saint Laurent lại cho thấy phong độ cực kỳ ổn định với kết quả hoạt động ấn tượng trong 6 tháng đầu năm vừa được nhấn mạnh tại buổi công bố kết quả hàng quý gần đây. Theo đó, nhãn hiệu đến từ Pháp đã trở thành “công thần” của tập đoàn xa xỉ phẩm Kering khi doanh số bán hàng tổng hợp của Saint Laurent đã tăng đến 34% trong hai quý đầu tiên của năm 2022.

Giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello và Giám đốc điều hành Francesca Bellettini của Saint Laurent. Ảnh: Saint Laurent

Phải thừa nhận rằng, Anthony Vaccarello với cương vị Giám đốc sáng tạo và Francesca Bellettini làm Giám đốc điều hành cho sáng kiến liên kết địa phương mạnh mẽ là một trong những “tài sản” giá trị nhất của Saint Laurent. Giám đốc điều hành của Kering, Jean-Marc Duplaix cho biết, Saint Laurent đã có doanh thu ấn tượng nhờ sự gia tăng ngoạn mục tại thị trường phương Tây, nơi nhu cầu của khách hàng địa phương đối với một số sản phẩm mang tính biểu tượng đang ngày càng tăng cao.

Duplaix nhấn mạnh doanh số bán hàng của Saint Laurent đã tăng lên rõ rệt ở mức cao hai con số tại Bắc Mỹ và Tây Âu, nhưng cũng có mức tăng đáng kể ở Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản. Tất cả các danh mục sản phẩm của hãng đang tăng lên và doanh số bán hàng may sẵn nói riêng đã cho thấy một động lực lớn trong thời gian qua. Đồng thời, sự tăng trưởng cũng cân bằng giữa việc mở rộng diện tích bán lẻ, thúc đẩy lưu lượng truy cập vào cửa hàng và tăng giá. 

Bên cạnh đó, nhãn hiệu Pháp cũng đã giới thiệu các mặt hàng may sẵn mới với mức giá phù hợp, đồng thời tăng giá bán trung bình cho phân khúc túi xách và có ý định chiến lược giới thiệu các sản phẩm trên toàn bộ phạm vi giá cả.

Hiệu suất của Saint Laurent vượt xa Gucci và trở thành thương hiệu giữ ngôi vị hàng đầu của Kering về tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Saint Laurent

Saint Laurent hiện đang trực tiếp điều hành 268 cửa hàng monobrand trên toàn thế giới. Thương hiệu đã lên kế hoạch mở các cửa hàng mới và nhượng quyền với tỷ lệ 20% đến 30% mỗi năm, nhưng sẽ giảm bớt một chút vào năm 2022, thay vào đó tập trung vào việc nâng cao phạm vi sản phẩm của mình. Được biết, trong quý I năm 2021, doanh số bán hàng của Saint Laurent đã cao hơn mức trước Covid và vào cuối quý I năm 2022, hãng này đã công bố doanh thu tăng không dưới 240 triệu euro so với quý I năm 2019.

Tạm kết

Bất chấp chính sách “zero Covid”, Kering vẫn đặt kế hoạch và kỳ vọng rất lớn cho Gucci tại thị trường Trung Quốc, cùng với chiến lược nâng tầm thương hiệu này tại thị trường tỷ dân sau khi các nhà phân tích của Jefferies (công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ) dự đoán doanh thu từ việc bán các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm 15% trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ tăng khoảng 11% vào nửa cuối năm 2022.

Hiện tại, Kering cũng như các nhà đầu tư khác đang theo dõi sát sao Trung Quốc, dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn nhất trong lĩnh vực xa xỉ vào năm 2025, nhằm đánh giá đúng nhất mức độ ảnh hưởng của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt kể từ tháng 3/2022 đối với nhu cầu thời trang và phụ kiện cao cấp.

Nguồn: Vogue Business

← Bài trước Bài sau →
Back to top