CHANEL LẠI TĂNG GIÁ TÚI XÁCH -  VÌ CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ HAY ĐỂ CẠNH TRANH VỚI HERMÈS?

CHANEL LẠI TĂNG GIÁ TÚI XÁCH -  VÌ CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ HAY ĐỂ CẠNH TRANH VỚI HERMÈS?

Vài tháng qua, lạm phát gia tăng tại một số quốc gia phát triển thuộc châu Âu đã vô tình gây áp lực lên địa hạt thời trang xa xỉ, tuy nhiên, đối với người Mỹ, đây lại là cơ hội để đi du lịch khắp châu Âu và mua sắm thỏa thích.

Trong bối cảnh đồng Euro chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ và gần bằng với đồng USD, bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19, nhiều du khách trên khắp thế giới, đặc biệt là người Mỹ, đã có quyết định cực kỳ khôn ngoan - lựa chọn châu Âu như một điểm đến nghỉ dưỡng vào mùa hè này, đồng thời mua sắm “thả ga” tại các cửa hàng thời trang cao cấp.

Du khách hưởng lợi gì từ sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng Euro và USD?

Theo hãng tin WSJ, nhiều khách du lịch Mỹ đã “mạnh tay” chi tiền để sở hữu các mặt hàng xa xỉ, chẳng hạn như rượu vang đắt tiền hay thuê phòng nghỉ hạng sang ở châu Âu. Đặc biệt, việc du lịch đến châu Âu với sự chênh lệch lớn về tỷ giá giữa đồng Euro và USD, cũng như được hoàn thuế VAT đã giúp người Mỹ có cơ hội mua một chiếc túi xách xa xỉ mà họ đã “để mắt” từ lâu.

Ví dụ, ở Mỹ, một chiếc túi Chanel Classic Flap được bán lẻ với giá 9.500 USD, cộng với thuế suất trung bình ở Florida là 7% sẽ dẫn đến giá bán đến tay khách hàng là khoảng 10.170 USD. Còn ở châu Âu, mẫu túi tương tự lại được bán với giá chưa tới 9.200 USD. Trong khi đó, khoản hoàn thuế VAT là 12% - dẫn tới việc giá bán lẻ túi chỉ còn khoảng 8.076 USD.

Mẫu túi hiệu Chanel Classic Flap cỡ đại. Ảnh: Chanel

Bên cạnh đó, châu Âu luôn thu hút khách du lịch như một thiên đường mua sắm bậc nhất thế giới, đặc biệt là thời trang hàng hiệu. Theo đó, khi shopping tại đây, du khách có thể tận dụng quy trình hoàn thuế để tiết kiệm tiền. Cụ thể, trước khi mua sắm, du khách có thể kiểm tra xem cửa hàng của thương hiệu đó có cung cấp dịch vụ hoàn thuế hay không, sau đó, họ có thể hỏi mức mua sắm tối thiểu là bao nhiêu để đủ điều kiện sử dụng dịch vụ này. 

Được biết, số tiền được hoàn thuế ở mỗi quốc gia là khác nhau. Để nhận được đơn xin hoàn thuế, khách du lịch cần trình hộ chiếu cho cửa hàng và các nhân viên sẽ hỗ trợ khách hàng điền đơn. Khi hoàn thành mọi thủ tục, cửa hàng có thể hoàn thuế trực tiếp ngay tại chỗ hoặc du khách cũng có thể thực hiện quy trình hoàn thuế tại sân bay.

Nhiều du khách Mỹ chia sẻ, việc đồng Euro giảm mạnh khiến họ có cảm giác như đang mua sắm tại quê nhà và dễ dàng mở hầu bao hơn thường lệ. Các nhà phân tích từ Ngân hàng Thụy Sĩ - UBS nhận định, sự tăng giá của đồng USD cũng đã góp phần thúc đẩy việc mua sắm của khách du lịch tại châu Âu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, du khách Mỹ đóng vai trò rất lớn vào sự gia tăng này.

Giá túi Chanel ở châu Âu sẽ lại tăng bao nhiêu?

Mới đây, trang Purse Blog tiết lộ Chanel sẽ tiếp tục là thương hiệu tiên phong trong cuộc chiến duy trì tính độc quyền xa xỉ và giá túi Chanel ở châu Âu sẽ lại tăng đến 10% bắt đầu từ ngày 10/8. Nhà mốt Pháp và các thương hiệu lớn khác đã lấy lý do rằng đây là một động thái nhằm cân bằng giá cả do sự chênh lệch ngày càng lớn về tỷ giá giữa đồng Euro và USD, cũng như không muốn các khách hàng ở Mỹ phàn nàn vì sự chênh lệch quá lớn này.

Chanel tiếp tục tăng giá túi xách vào tháng 8 năm 2022. Ảnh: Chanel

Theo đó, đây là đợt tăng giá túi xách lần thứ 5 đến từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất “kinh đô thời trang” Paris trong vòng 2 năm qua. Việc tăng giá này đã bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái, khi đó, giá của một chiếc túi Medium Classic Flap rơi vào khoảng 6.836 USD, nửa năm sau đó, giá bán của mẫu túi hiệu này đã tăng vọt lên tới 7.734 USD. 

Đến tháng 6 năm nay, chiếc túi đã tăng giá đến hơn 8.759 USD - gần bằng với giá của mẫu túi Hermès Birkin huyền thoại. Hồi tháng 3 năm nay, Chanel cũng đã điều chỉnh giá bán của bốn mẫu túi xách và bộ sưu tập quần áo ready-to-wear Xuân - Hè bằng việc tăng thêm 6% ở châu Âu, trong khi các sản phẩm tại Mỹ vẫn giữ nguyên giá.

Mẫu túi xách Hermès Birkin trứ danh của nhà mốt Hermès. Ảnh: Hermès

Tuy nhiên, nhiều người lại tin rằng, sự tăng giá này nhằm mục đích giúp các sản phẩm của Chanel trở nên độc quyền hơn, đồng thời nâng giá trị thương hiệu lên ngang bằng với những nhà mốt “thượng cấp” như Hermès, thay vì “ngồi chung mâm” với Dior hay Versace. Vậy nhưng, Bruno Pavlovsky, Chủ tịch mảng thời trang của thương hiệu Chanel, lại phủ nhận thông tin Chanel đang đẩy giá túi xách của mình lên cao để tương xứng với mẫu túi Birkin của đối thủ Hermès và cho rằng việc tăng giá ở một số khu vực một phần do chi phí sản xuất tăng và một phần là do mục tiêu “bình ổn giá”.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi đang cạnh tranh với Hermès, nhưng không cạnh tranh với bất cứ chiếc túi xách cụ thể nào. Những chiếc túi của Hermès rất tuyệt và chúng hoàn toàn khác với những chiếc túi của Chanel. Sự khác biệt đó đến từ cấu tạo, vật liệu và cả phong cách. Do đó, Chanel không tăng giá vì lợi ích của thương hiệu hay vì cuộc đua với các đối thủ”.

Hiện tại, Pháp đang là quốc gia châu Âu hưởng lợi nhiều nhất từ việc chi tiêu của khách du lịch. Có thể thấy, lượng khách du lịch Mỹ đến Đại lộ Montaigne của Paris đang ngày càng tăng và tấp nập mua sắm tại các cửa hàng thời trang cao cấp như Chanel, Louis Vuitton, Dior và Gucci.

Theo các nhà phân tích tại UBS, doanh số bán hàng cho du khách ở Pháp vào tháng 6 vừa qua đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều nguồn thạo tin khác lại cho biết, sau Chanel, các nhãn hàng xa xỉ khác cũng sẽ dần điều chỉnh giá bán để đối phó với lạm phát và biến động tiền tệ. Vào lúc đó, sức mua của du khách có thể sẽ hạ nhiệt khi sự phấn khích vì tỷ giá qua đi.

Nguồn: Purseblog

Túi Chanel ở châu Âu sẽ tăng lại bao nhiêu?

← Bài trước Bài sau →
Back to top