TRIỂN LÃM “IMPROVISATION” CÙNG BÙI CHÁT: NGHỆ SĨ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI NÓI ĐIỀU GÌ QUA TÁC PHẨM

TRIỂN LÃM “IMPROVISATION” CÙNG BÙI CHÁT: NGHỆ SĨ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI NÓI ĐIỀU GÌ QUA TÁC PHẨM

Sự kết hợp đa dạng ở bảng màu Dã thú, kết hợp cùng tinh thần sáng tác ngẫu biến Dada để cho ra những bức tranh mang phong cách trừu tượng trữ tình chính là điểm độc và riêng của Bùi Chát trong triển lãm cá nhân lần đầu tiên “IMPROVISATION” (Ứng biến), vừa khai mạc tối 15/7 tại TP.HCM. Trong tập 20 của chuỗi phỏng vấn Art Roads, Luxuria có cơ hội được phỏng vấn gương mặt mới nhưng cũng đã quen của làng nghệ thuật..

Chào anh, anh có thể giới thiệu đôi điều về bản thân không ạ?

Chào quý độc giả của tờ Luxuria. Tôi là Bùi Chát, sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai. Tôi từng được khán giả biết đến với vai trò nhà thơ, người làm xuất bản, và nghệ sĩ thực hành nghệ thuật Vị niệm. Nhưng đến với quý độc giả hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ trong vai trò là người cầm cọ.

Cơ duyên trong nghệ thuật hội hoạ của anh?

Sau khi ra trường, tôi giao du và kết bạn cùng nhiều họa sĩ. Trong khoảng thời gian này, tôi có cơ hội tiếp xúc với hội họa chuyên nghiệp. Điều này đã làm tôi nuôi dưỡng đam mê và nung nấu một ngôn ngữ hội họa riêng. Giờ đây, tôi đã có thể gửi đến công chúng 29 bức tranh cho buổi triển lãm đầu tiên.

Cơ duyên đến với anh từ những lần giao du và kết bạn với nhiều họa sĩ.

Anh suy nghĩ gì về nghệ thuật?

Theo tôi, thứ nhất, làm nghệ thuật là nỗ lực tham gia vào tiến trình tạo ra những sản phẩm không dễ gì diễn đạt được bằng ngôn ngữ. Thứ hai, nghệ sĩ, không nhất thiết phải nói điều gì qua tác phẩm, nếu cần nói tự thân tác phẩm sẽ biết cách vì điều duy nhất cần thiết để nghệ sĩ thể hiện qua tác phẩm chính là tư duy. Thứ ba, xấu đẹp không bao giờ là tiêu chuẩn để đánh giá, càng không thể nào là đích đến của nghệ thuật bởi tác phẩm, nếu chỉ thuần túy đẹp, tôi e là không đủ sức chống chọi với thời gian.

Anh đã chuẩn bị bao lâu cho buổi triển lãm lần này? Và do đâu mà anh quyết định đưa 29 bức này ra mắt?

Triển lãm này được tôi chuẩn bị trong khoảng ba năm, từ năm 2020.

Thực ra tôi đã vẽ rất nhiều tranh, nhưng để chuẩn bị cho triển làm lần này tôi phải chọn theo những nhịp điệu và màu sắc khác nhau, và tôi quyết định chọn 29 bức này cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình với sự tư vấn của giám tuyển Nguyên Hưng. Anh ấy có nhận xét rằng: “Không giống nhiều nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện, Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa - và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách Lyrical abstraction rất riêng…”. 

Không gian đậm chất thơ nơi triển lãm

Tại sao anh lại chọn tên “IMPROVISATION” (Ứng biến)?

Triển lãm này được đặt tên là “Ứng biến” như kiểu “Ứng biến tình huống”. Cách tôi thực hành những tác phẩm này là cách tôi tự ném mình vào “đại dương tình huống”. Tôi phải cố gắng thoát ra khỏi đó, và ứng biến sao cho phù hợp với các khó khăn ấy.

Những tình huống này có thể là những vấn đề tâm lý, tâm linh, hoặc những điều gì đó hoàn toàn vô thức, rất nhanh và không có thời gian nhiều để suy nghĩ. Nó cũng không phải là các tình huống được dự cảm hoặc dự định trước, có đầu đuôi cụ thể rõ ràng. Những tác phẩm này đều được hình thành từ những tình huống khác nhau, có bức hình thành từ nhiều tình huống liên tục xảy ra. Thế nên, mỗi tác phẩm là mỗi cách xử lý hoàn toàn khác nhau, không thể lặp lại. Cách tôi biến chuyển cũng là cách thể hiện tư duy khi thực hành. Tình huống có thể được xử lý nhanh, hoặc rất chậm. Thỉnh thoảng sau khi xem lại tác phẩm đã hoàn thành, tôi lại bị “lôi vào biển tình huống” với nhiều mối quan ngại. Tôi lại phải xuất đầu lộ diện.

Nó có câu chuyện nào đằng sau không?

Đằng sau những tác phẩm này không có bất cứ câu chuyện nào cả. Thứ nhất tôi là người không thích kể lể, tác phẩm của tôi chắc cũng không muốn buôn chuyện, Thứ hai, quan trọng đây là một cuộc bày vẽ, và ở đây chỉ có tác phẩm.

Tôi nghĩ mọi người khi đã tham dự triển lãm thì cứ thưởng thức tác phẩm thôi, thắc mắc về những câu chuyện làm gì, vì không phải tác phẩm nào cũng chứa trong nó hoặc núp đằng sau nó là những câu chuyện.

"Tôi nghĩ mọi người khi đã tham dự triển lãm thì cứ thưởng thức tác phẩm thôi"

Vật liệu mà anh dùng cho những bức tranh lần này là gì? Điều gì làm anh suy nghĩ dùng những vật liệu ấy?

Khi thực hành, tôi dùng nhiều vật liệu khác nhau trong từng điều kiện khác nhau. Riêng trong triển lãm lần này, tất cả là canvas kết hợp cùng sơn dầu và oil stick (dầu thỏi).

Tôi dùng những vật liều này vì có được chúng khá dễ dàng, lúc nào cũng mua được. Ngoài ra những vật liệu này cũng dễ bảo quản, và phù hợp hợp với tư duy và cách thực hành của tôi lúc này.

Tại sao anh lại chọn thời điểm này để ra mắt?

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nghĩa là tác phẩm đã sẵn sàng xuất hiện, công chúng đã sẵn sàng thưởng lãm và đón nhận, vậy thì tôi đâu có quyền gì để ngăn cản.

Cảm ơn anh đã tham gia buổi nói chuyện hôm nay. Chúc anh luôn thành công trên con đường của mình.


Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh của buổi triển lãm

Về Bùi Chát

  • Sinh 1979 (theo khai sinh) tại Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Nai
  • Học văn chương, học luật, nhưng không học vẽ
  • Làm thơ, làm xuất bản, thực hành nghệ thuật vị niệm (Conceptual art)
  • Thành viên chủ chốt của Mở Miệng – nhóm nghệ sĩ nổi bật nhất của thơ Việt Nam đương đại. Đã xuất bản 7 tập thơ, tác phẩm thơ cũng được dịch và giới thiệu qua một số ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Séc...
  • Về hội hoạ: làm những bức đầu tiên vào năm 2002, sau một thời gian thì dừng để dồn sức cho thơ
  • Từng dăm bảy lần toan tính quay lại hội hoạ, nhưng không tới đâu, rồi bị cuốn vào những việc khác
  • Từ 2019 thành công trong việc trở lại, và ở hẳn với hội hoạ, từ đó đến nay làm việc không ngừng.

Thông tin được người phỏng vấn cung cấp

← Bài trước Bài sau →
Back to top